Thị thực thuộc dòng EB định cư Mỹ là viết tắt của cụm từ “Employment Base” – nghĩa là lấy quyền Thường trú nhân Mỹ (Thẻ Xanh) “Dựa trên việc làm”, phù hợp với Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch (INA). EB-1, EB-2, EB-3, EB-4 và EB-5 là những dòng thị thực EB hợp pháp để có được Thường trú nhân “Dựa trên việc làm” tại Hoa Kỳ. Không có lộ trình hay thị thực EB-6 được ủy quyền chính thức để lấy Thẻ xanh trong INA.

Vậy Thị thực EB-6 là gì?
Vào ngày 17/1/2017, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ (DHS) đã ban hành một quy tắc mới: Cho phép các doanh nhân quốc tế ở lại và làm việc hợp pháp tại Hoa Kỳ trong tình trạng Tạm đặc xá (IEP). Quy tắc có hiệu lực vào ngày 16/7/2017.
USCIS 8 CFR 212.19 quy định rõ rằng người nộp đơn IEP “phải có vai trò trung tâm và tích cực trong hoạt động của công ty/tổ chức. Họ phải có chức vụ cao, sử dụng kiến thức, kỹ năng hoặc kinh nghiệm để hỗ trợ cho tổ chức phát triển và kinh doanh thành công.” Do đó, các khoản đầu tư thụ động hoặc nắm giữ một vai trò không phải là “trung tâm và tích cực trong hoạt động doanh nghiệp” sẽ không đủ tiêu chuẩn.
Luật cũng quy định rằng các cá nhân đủ tiêu chuẩn IEP có thể nhận được Giấy phép làm việc cho bản thân và vợ/chồng của họ trong tối đa 30 tháng có thể được gia hạn tối đa 5 năm. Không giống như thị thực nhà đầu tư Hiệp ước E2 phổ biến, IEP không giới hạn đối với công dân của một số quốc gia hiệp ước nhất định.
Tuy nhiên, IEP không phải một loại thị thực và không phải tình trạng cư trú hợp pháp Hoa Kỳ. Vì IEP không phải thị thực nên quy trình này không yêu cầu lãnh sự quán Hoa Kỳ cấp thị thực. Người nộp đơn IEP KHÔNG phải xin Thị thực do Lãnh sự quán cấp.
Tuy nhiên, một số đơn vị tư vấn định cư, thậm chí luật sư lại gọi chương trình IEP là “thị thực” hoặc “EB-6” là không chính xác.
Tại sao IEP không phải là một loại thị thực?
Thứ nhất, IEP không phải là một phần của Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch (INA). IEP về cơ bản là sự cho phép đặc biệt để đến Hoa Kỳ với những mục đích hạn chế mà không cần thị thực. Quyền đặc biệt này được gọi là Tạm đặc xá.
Thứ hai, vì IEP không phải là thị thực và chỉ là “Tạm đặc xá” nên IEP không yêu cầu nộp đơn xin thị thực tại lãnh sự quán Hoa Kỳ.
Thứ ba, vì IEP không công nhận tình trạng cư trú hợp pháp tại Hoa Kỳ, nên người sở hữu IEP không thể điều chỉnh tình trạng đối với quy trình Thẻ Xanh Hoa Kỳ.

Tại sao gọi IEP là thị thực EB-6 là không chính xác và gây hiểu lầm?
Việc gọi IEP là thị thực EB-6 gây hiểu lầm vì những người được cấp IEP không đủ điều kiện để được điều chỉnh tình trạng đối với Thẻ xanh (Thường trú nhân) Hoa Kỳ. Để có được Thẻ xanh, chủ sở hữu IEP phải rời Hoa Kỳ và quay trở lại bằng cách sử dụng loại thị thực được luật pháp Hoa Kỳ công nhận, điều này không bao gồm “Tạm đặc xá” như được sử dụng trong chương trình IEP.
Không giống như các loại thị thực EB Dựa trên việc làm được ủy quyền trong Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch (INA), IEP KHÔNG phải là một con đường dẫn đến Thường trú nhân Mỹ.
Luật quy định rõ rằng Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ hoặc Sở Di trú Hoa Kỳ có thể chấm dứt tình trạng “Tạm đặc xá” được cấp thông qua chương trình IEP “mà không cần thông báo trước hoặc không có cơ hội phản hồi” nếu xác định rằng việc người nước ngoài tiếp tục được tạm đặc xá ở Hoa Kỳ không còn mang lại lợi ích cộng đồng/công ty đáng kể nữa.
Điều này ngụ ý rằng USCIS có rất nhiều quyền lực để chấm dứt tình trạng “tạm đặc xá” được cấp bất kỳ lúc nào mà không cần thông báo cho chủ sở hữu IEP.
Tóm lại, không có lộ trình hay thị thực “EB-6” được ủy quyền chính thức để lấy Thẻ xanh phù hợp với quy định Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch (INA).