Ngày 26/6/2025 vừa qua, Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) đã bày tỏ sự ủng hộ đối với nỗ lực gia nhập khu vực Schengen của Cộng hòa Síp.

Trong tuyên bố kết thúc hội nghị thượng đỉnh của đảng trung hữu này – nơi quy tụ các lãnh đạo đảng từ khắp châu Âu, EPP nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Schengen đối với tự do đi lại.
“Chúng tôi ủng hộ việc gia nhập khu vực Schengen, nhưng không phải dung túng cho những kẻ buôn lậu. Chúng ta cần gửi một thông điệp cứng rắn đến những kẻ lợi dụng hệ thống. Việc bảo vệ nghiêm ngặt biên giới đất liền và biển bên ngoài của EU là điều kiện tiên quyết để Schengen hoạt động hiệu quả” tuyên bố nêu rõ.
Do đó, EPP sẽ “đưa ra các cột mốc cụ thể để thực hiện mục tiêu này trong thời gian sớm nhất”.
Khối này cũng khẳng định mục tiêu vẫn là “duy trì tự do đi lại hoàn toàn trong khu vực Schengen” và tuyên bố “ủng hộ nguyện vọng của Síp chính thức trở thành thành viên của Schengen vào năm 2026.”
Về vấn đề này, EPP kêu gọi Ủy ban châu Âu “tích cực thúc đẩy và đẩy nhanh tiến trình gia nhập của Síp”.
Mở đầu năm 2025, chính phủ Síp đã xác định mục tiêu gia nhập khu vực Schengen vào năm 2026 là một trong những ưu tiên trọng tâm của năm nay. Tổng thống Nikos Christodoulides, cũng là một thành viên của EPP, vào tháng trước đã cam kết sẽ hoàn thành mục tiêu này.
“Chúng tôi sẽ gia nhập khu vực Schengen vào năm 2026. Từ nay đến cuối năm 2025, một khối lượng công việc kỹ thuật rất lớn đang được triển khai. Đó là mục tiêu mà chúng tôi hướng tới – hoàn tất toàn bộ những gì cần thiết với tư cách một quốc gia, để đảm bảo Cộng hòa Síp chính thức gia nhập Schengen đúng vào năm 2026,” ông phát biểu.
Cùng với Ireland, hiện tại Síp là một trong hai quốc gia EU duy nhất chưa thuộc khu vực Schengen, sau khi Bulgaria và Romania được chấp nhận gia nhập vào đầu năm nay. Trong khi đó, bốn quốc gia không thuộc EU – Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ lại là thành viên Schengen.
Theo các báo cáo đầu năm nay, để được chấp thuận, Síp cần tăng cường kiểm soát biên giới – một trong những yêu cầu then chốt. Đặc biệt, vùng “Vạch Xanh” (Green Line), dù về mặt pháp lý không phải là biên giới ngoài, vẫn bị yêu cầu phải kiểm soát nghiêm ngặt và không được miễn trừ các tiêu chuẩn về biên giới của EU.