Site icon Đầu Tư Định Cư Mỹ, Canada, Châu Âu

VÀI NÉT VỀ CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT QUỐC GIA VÙNG MONTRÉAL

SONY DSC

Những người Việt Nam đầu tiên có mặt tại Montréal vào năm 1954 là những nữ tu sĩ (Carmélites) và quyến thuộc người miền Bắc, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế (Ordre de Carmel), được Nhà Chung đưa thẳng từ Hà Nội qua, sau hiệp định Genève, trong số này có bà Thái vợ Gs. Bùi Thiệu Tường.

Thời Đệ nhất Cộng Hòa (1955-1963), từ năm 1956, qua chương trình Colombo và một vài chương trình tu nghiệp công chức, một số sinh viên lớp đầu tiên đã ở lại, hợp với các sinh viên qua sau và các công chức tu nghiệp để lập nên tổ chức Việt Kiều phôi thai tại Montréal, (tuy chưa có danh xưng chính thức). Nhóm người này, thực sự là Việt Kiều vì mang giấy thông hành của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, đã  có  những sinh hoạt tập thể  có  tính cách văn nghệ và tương trợ giữa đồng hương. Đa số sinh viên tốt nghiệp đã trở về nước để phục vụ trong các công, tư sở VNCH. Số sinh viên ở lại Montréal đã kết hôn với nhau hoặc với sắc dân khác để tạo thành những gia đình người Canada gốc Việt đầu tiên.

Sau biến cố tháng Tư năm 1975, làn sóng thuyền nhân tỵ nạn Cộng sản đến các quốc gia Đông Nam Á và sau đó được định cư tại nhiều nước thứ ba, trong đó có Canada. Khi đồng bào tỵ nạn đến Montréal, nhiều gia đình Canada gốc Việt đã tích cực giúp đỡ đồng bào trong việc định cư và hội nhập. Đến nay, nhiều sinh viên du học vẫn tích cực tham dự những sinh hoạt cộng đồng như Ts. Lê Duy Cấn (1963),  v.v… Tuy nhiên, cũng có một vài cá nhân có thái độ hung hãn, ép buộc một số đồng bào tham dự các sinh hoạt tuyên truyền thân Cộng sản.

Có thể nói tại Canada, Montréal là nơi tiếp nhận người tỵ nạn có bằng chuyên môn với tỷ số tương đối cao, có liên hệ gia đình với các sinh viên du học. Hơn nữa, Montréal là vùng Pháp thoại, cũng là nơi định cư, làm việc của nhiều nhân viên ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa đã ít nhiều chịu ảnh hưởng văn hóa và giáo dục Pháp.

Sau 1975, tổ chức Việt Kiều nói trên tự giải tán. Riêng vị Tổng thư ký của tổ chức này là Ls. Lâm Chấn Thọ đã cùng các vị gốc tỵ nạn như Nguyễn Xuân Khương, Phạm Hữu Vĩnh và Đào Ngọc Thọ lập lại Hội mới theo Chartre 1976 [2]. Các ông Nguyễn Xuân Khương, Phạm Hữu Vĩnh, Võ Văn Nhung, Trịnh Vĩnh Điện, Trần Văn Phước đã lần lượt làm Chủ tịch Ban Chấp hành. Vào năm 1980, Hội Việt Kiều tại Canada vùng Montréal gia nhập Liên Hội Việt Kiều Canada do Ts. Lê Duy Cấn làm Tổng thư ký.

Khi thấy chữ Việt Kiều còn hàm ý tự nhận là dân của chính thể cộng sản, nên năm 1982, Hội Việt Kiều tại Canada vùng Montréal đổi tên thành Cộng đồng Người Việt Quốc Gia tại Canada vùng Montréal mà quyền Chủ tịch là ông Trần Xuân Đức. Liên Hội Việt Kiều Canada cũng đổi tên thành Liên Hội Người Việt Canada.

Sau ông Trần Xuân Đức lần lượt tới Nha sĩ Đỗ Giang, ông Nguyễn Văn Công, Nha sĩ Nguyễn Văn Cường, ông Dương Văn Thụy, Ls. Lâm Chấn Thọ, Bs. Nguyễn Quang Bình, Bs. Nguyễn Lương Tuyền, Bs. Phùng Văn Hạnh, Bs. Trần Đình Thắng, bà Đặng Thị Danh và hiện nay là Bs. Đào Bá Ngọc làm Chủ tịch Ban chấp hành.

Cơ cấu tổ chức của Cộng đồng trong thời gian đầu bao gồm Hội đồng Quản trị và Ban Chấp hành. Các vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị theo thứ tự gồm có ông Lâm Xuân Quang, Bs. Từ Uyên, Bs. Lâm Thu Vân, ông Nguyễn Tăng Hồng, và ông Dương Văn Thụy. Sau lần sửa đổi Nội quy vào năm 1994, cơ cấu Hội đồng Quản trị được thay bằng Ban Giám sát. Các ông Trần Mộng Lâm, Đặng Tấn Nam, và Bùi Mỹ là những vị giám sát đầu tiên. Bên cạnh Ban Giám sát còn có Ban Cố vấn trong đó có vị Cố vấn lão thành Trương Bảo Sơn.

Nội quy của Hội Việt Kiều Montréal năm 1976, sau đổi tên thành Cộng đồng Người Việt Quốc Gia tại Canada, vùng Montréal (viết tắt là CĐNVQG vùng Montréal) năm 1982, đã được thay đổi một vài lần. Dựa theo bản Nội quy sau cùng năm 1994 [3], CĐNVQG vùng Montréal được thành lập với mục đích:

•    Phát triển tinh thần quốc gia. Phát huy tinh thần ái hữu và tương trợ giữa tập thể người Việt tự do vùng Montréal.
•    Bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt Nam.
•    Bảo vệ quyền lợi người Việt và thích ứng hội nhập xã hội Canada.
•    Hỗ trợ mọi hoạt động phù hợp với đường lối và tôn chỉ của Cộng đồng.
•    Phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc trong tinh thần quốc gia, coi Cộng đồng như một mái nhà Việt Nam tự do. Ở đó, những nguyện vọng của đồng bào được cố gắng đáp ứng trong khả năng tối đa của Cộng đồng.

Từ năm 1954 đến nay, số người Canada gốc Việt định cư tại Montréal và những vùng phụ cận ngày càng gia tăng. Theo nhà biên khảo Lâm Văn Bé [4] dựa theo số liệu của Viện Thống kê Canada (Statistics Canada) vào năm 2006, tổng số người Việt ở Canada là 180,130 người, Québec 33,815 người, và đại đô thị Montréal (đảo Montréal, Montérégie, và Laval) 30,510 người. Theo bài biên khảo, trung bình cứ ba người Việt ở Québec thì một người dưới 25 tuổi, một người trong khoảng 26 đến 44 tuổi, và một người 45 tuổi trở lên; và trung bình cứ ba người Việt ở Québec thì một người sinh tại Québec, hai người nhập cư.

Về kinh tế, bài biên khảo này nhận định: “Hai sinh hoạt căn bản của người Việt tại Canada nói chung và Québec nói riêng là buôn bán lẻ và tiệm ăn”. Tỷ lệ người Việt ở Québec làm chủ tiệm ăn (23.6%) cao hơn ở Ontario (8.5%). Tuy nhiên, có lẽ vì không có các nhà hàng lớn của người Việt, những buổi dạ tiệc lớn của người Việt tại Montréal lại được tổ chức ở một trong vài nhà hàng người Hoa. Québec, theo bài biên khảo, “nổi bật trong các sinh hoạt chuyên nghiệp, 28.7% người Việt là các chuyên viên y tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục và quản trị công quyền”.

Hai năm 2010 và 2011, sự xuất hiện của nhiều tài năng trẻ đã chứng tỏ sự trưởng thành của cộng đồng Việt tại Montréal. Lý Kim Thúy, tác giả của tác phẩm Ru đã được trao Giải Văn chương của Toàn quyền Canada năm 2010. Kỳ bầu cử liên bang 2011 đã xuất hiện hai dân biểu liên bang trẻ Mai Hữu Hoàng (Brossard – La Prairie, Québec) và Anne Quách Minh Thư (Beauharnoir – Salaberry, Québec). Hy vọng hai dân biểu này sẽ mang thỉnh nguyện và cùng với cộng đồng Việt đem tiếng nói chính trị, văn hóa đến với chính phủ và cộng đồng người Canada. Nhìn chung, sự trưởng thành và những đóng góp của giới trẻ gốc Việt tại Canada rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, gia đình và cộng đồng vẫn phải có trách nhiệm giới thiệu và truyền bá truyền thống văn hóa Việt trong đó có giá trị ngôn ngữ, tự do, nhân bản, và khai phóng đến những thế hệ trưởng thành tại Canada.

Cũng nên nhắc rằng chính trường liên bang Canada đã có sự hiện diện của dân biểu gốc Việt Ève-Mary Thái Thị Lạc (Saint Hyacinthe – Bagot, Quebec) từ năm 2007. Trong khi tại chức Bà Ève-Mary Thái Thị Lạc đã tích cực hỗ trợ những tiếng nói nhân quyền tại Việt Nam.

Những đóng góp cho một cộng đồng vững mạnh của nhiều hội đoàn giáo dục, văn hóa, xã hội và tôn giáo; của các niên trưởng, nhân sĩ, những đại gia đình, tiểu gia đình với truyền thống dân tộc cao cả, đã tạo nên thế đứng của cộng đồng Việt Nam trước sự nể nang của chính quyền thành phố, tiểu bang, cũng như liên bang Canada.

Vì khuôn khổ của bài viết, là thế hệ đi sau, chúng tôi xin lắng nghe các niên trưởng sinh hoạt thâm niên trong cộng đồng kể về những kinh nghiệm quý báu và những đóng góp cụ thể của từng hội đoàn trong từng thời kỳ. Tương lai của cộng đồng sẽ phải do sự dấn thân của giới thanh niên và trung niên dưới sự hướng dẫn – không áp đặt – của giới cao niên.

Chặng đường sắp tới của Cộng đồng Người Việt Quốc Gia vùng Montréal và các hội đoàn cũng sẽ là phục vụ đồng hương trong tinh thần tương thân tương kính; hội nhập về văn hóa, hội nhập về chính trị bằng cách tham gia đông đảo vào các cuộc bầu cử liên bang cũng như tỉnh bang và thành phố; và khi hợp quần thành sức mạnh, một trong những nhiệm vụ quan trọng của cộng đồng người Việt hải ngoại là hỗ trợ cho công cuộc xóa bỏ độc tài tại quê nhà. Hai câu của bài hát Việt Nam Minh Châu Trời Đông của nhạc sĩ Hùng Lân, “Việt Nam! Minh châu trời Đông, Việt Nam! Nước thiêng Tiên Rồng” sẽ mãi mãi lưu truyền trong tâm khảm người Việt Nam khắp nơi.

NVS – Đầu Tư Quốc Tế sưu tầm

 

Exit mobile version