Site icon Đầu Tư Định Cư Mỹ, Canada, Châu Âu

Thông tin cơ bản về đất nước Úc

Follow me on Facebook

1. Địa lý

›  Vị trí: Australia nằm ở bán cầu nam, được bao bọc bởi Nam Thái Bình Dương ở phía Đông, Ấn Độ Dương ở phía Tây, Biển Arafura ở phía Bắc và Nam Đại Dương ở phía Nam.

›  Thủ đô: Canberra.

›  Các thành phố lớn: Sydney, Melbourne, Brisbane, Perth.

› Diện tích: Khoảng 7,7 triệu km2, bao gồm 6 tiểu bang (New South Wales, Queensland, Nam Australia, Victoria, Tasmania, Tây Australia) và 2 vùng lãnh thổ (Vùng Lãnh thổ Thủ đô – Australian Capital Territory, và Vùng Lãnh thổ phía Bắc – Northern Territory). Ngoài ra, Australia có một số lãnh thổ phụ thuộc, gồm một số đảo và quần đảo như: Ashmore và Cartier, Christmas, Cocos, Biển San hô, Heard, Mc Donald, Norfolk và Macquarie.

›  Khí hậu: Là một trong những lục địa có khí hậu khô nhất thế giới. Khí hậu phía Bắc là khí hậu nhiệt đới và khô; Khí hậu phía Nam là ôn đới. Nhiệt độ trung bình khoảng 270 C (phía Bắc) và 130 C (phía Nam).

›  Dân số: Khoảng 20,57 triệu người (tính đến tháng 7/2006). Người châu Âu chiếm 92%, châu Á 6%, thổ dân 2%. 85% dân số sinh sống tại khu vực thành thị và các thành phố lớn ở ven biển, 15% còn lại sống tại các vùng nông thôn, miền núi. Mật độ trung bình là 2 người/km2.

›  Ngày Quốc khánh: 26/1

›  Ngôn ngữ chính: Tiếng Anh (chiếm 80%).

›  Đơn vị tiền tệ: Australian dollar (AUD)

2. Lịch sử

Những cư dân đầu tiên đến sinh sống tại lục địa Australia từ cách đây hơn 40.000 năm. Họ chính là tổ tiên của những người thổ dân “aboriginal” hiện nay ở Australia.  Những cư dân đầu tiên này chủ yếu sống bằng nghề săn bắt.  Năm 1770, Thuyền trưởng James Cook của Anh là người châu Âu đầu tiên tới khám phá vùng bờ biển phía Đông của lục địa Australia và khẳng định chủ quyền vùng đất này thuộc Vương quốc Anh.

Ngày 26/1/1788, thuyền trưởng Arthur Philip đưa 750 người từ Anh đi đày sang Australia, mở đầu cho thời đại di cư của người châu Âu đến Australia.  Sau đó, người Anh dần đến định cư và lập thuộc địa tại đây. Thuộc địa đầu tiên được tuyên bố thành lập là New South Wales (ngày 7/2/1788).

Sự kiện các mỏ vàng được tìm thấy vào năm 1851 đã mở đầu cho thời kỳ số lượng người nhập cư tăng mạnh, kèm theo đó là sự phát triển kinh tế, thương mại tại vùng đất này. Từ thế kỷ XVIII đến nay, lực lượng người nhập cư luôn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Australia. Phần lớn người nhập cư đến từ Anh, Ireland, khu vực Trung Đông, châu Á và Mỹ Latinh.

Australia chính thức giành được độc lập, thoát khỏi chế độ thuộc địa của Vương quốc Anh từ ngày 01/01/1901. Các đạo luật được thông qua năm 1942 và năm 1986 đã mang lại chủ quyền tuyệt đối cho Australia trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên cho tới nay, Australia vẫn nằm trong khối Liên hiệp Anh.

Tên gọi Australia bắt nguồn từ một từ tiếng Latin “Australis” – nghĩa là thuộc về phương Nam. Từ này lần đầu tiên được sử dụng trong một cuốn tiểu thuyết của Pháp để chỉ toàn bộ khu vực Nam Thái Bình Dương. Năm 1814 từ “Australia” bắt đầu được sử dụng rộng rãi và đến năm 1824 thì được chấp nhận là tên gọi chính thức của đất nước này.

3. Thể chế chính trị

Australia theo chế độ quân chủ lập hiến. Nữ hoàng Anh Elizabeth II cũng là Nữ hoàng của Australia và là người đứng đầu Nhà nước. Nữ hoàng chỉ định đại diện của mình trên toàn lãnh thổ Australia (gọi là Toàn quyền, đương nhiệm là ông Michael Jeffery) và tại mỗi bang (gọi là Thống đốc).

Theo Hiến pháp của Australia, quyền lập pháp được giao cho Quốc hội, Chính phủ nắm quyền hành pháp và các cơ quan tư pháp. Cơ cấu này được tổ chức ở cả cấp Liên bang và Bang.
Quốc hội Liên bang: Là cơ quan lập pháp cao nhất bao gồm 2 viện: Hạ viện và Thượng viện. Quốc hội mỗi bang cũng gồm 2 viện:

›  Hạ viện gồm 150 Hạ nghị sĩ đại diện cho các bang, được bầu theo hệ thống phổ thông đầu phiếu. Chủ tịch Hạ viện là người của Đảng cầm quyền. Thủ lĩnh của đảng hoặc liên đảng chiếm đa số trong Hạ viện được bầu là Thủ tướng. Nhiệm kỳ Hạ nghị sĩ là 3 năm.

›  Thượng viện gồm 76 Thượng nghị sĩ được bầu theo hình thức đại diện tỷ lệ. Mỗi bang cử 12 Thượng nghị sĩ (nhiệm kỳ 6 năm); Lãnh thổ Thủ đô và Lãnh thổ Bắc Australia, mỗi lãnh thổ có 2 Thượng nghị sĩ (nhiệm kỳ 3 năm).

Hiện nay có hai Đảng chiếm đa số ghế trong Quốc hội là Đảng Tự do (hiện là Đảng cầm quyền trong liên minh với Đảng Quốc gia) và Công Đảng (Đảng đối lập).  Bên cạnh đó còn có một số đảng khác như: Đảng Dân chủ, Đảng Xanh…

Chính phủ: Đảng hoặc liên minh đảng nào chiếm đa số phiếu trong Hạ viện thì có quyền thành lập chính phủ. Người đứng đầu Chính phủ Liên bang là Thủ tướng, có nhiệm kỳ 3 năm và có quyền chỉ định các Bộ trưởng trong nội các (Thủ tướng đương nhiệm là ông John Howard, giữ chức Thủ tướng trong 4 nhiệm kỳ liên tiếp từ 1996). Người đứng đầu chính quyền các bang là Thủ hiến Bang. Dưới cấp bang có các chính quyền địa phương.

Tòa án: Được tổ chức ở 2 cấp Liên bang và Bang. Ở cấp Liên bang, cơ quan tư pháp cao nhất là Tòa án Tối cao và ở các Bang là Tòa án bang.

Nhìn chung môi trường chính trị của Australia cơ bản ổn định. Australia có hệ thống pháp lý và các thể chế chính trị mở, hiệu quả và minh bạch.

4. Kinh tế

Nền kinh tế Australia là nền kinh tế tư bản theo kiểu phương Tây phát triển cao.

GDP: Năm 2005, tổng sản phẩm quốc nội – GDP đạt 633,5 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 32.000 USD/năm. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,2% (năm 2004 là 3%).
Australia rất giàu tài nguyên khoáng sản như vàng, bauxid, sắt, kẽm, đồng, kim cương, than, uranium, dầu khí, thiếc và đất đai, khí hậu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.

Cơ cấu kinh tế: Australia có nền kinh tế công, nông nghiệp phát triển. Tỷ lệ trung bình của các ngành trong GDP: Dịch vụ 70%, Công nghiệp 26%, Nông nghiệp 4%. Các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu: bột mì, mía đường, hoa quả, gia súc, gia cầm. Các ngành công nghiệp chủ yếu: khai mỏ, thiết bị công nghiệp và giao thông vận tải, chế biến thực phẩm, hóa chất và thép.

Lao động: Australia xếp vào 7 nước hàng đầu thế giới về số lượng lao động có kỹ năng, số chuyên gia về công nghệ thông tin, tài chính và cơ khí.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Than đá, vàng, len, thép, dầu thô, bột mì, nhôm, thịt, máy móc và thiết bị vận tải. Thị trường xuất khẩu chính: Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, New Zealand, Ấn Độ. Năm 2005, tổng giá trị xuất khẩu đạt 103 tỷ USD.

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Máy móc thiết bị, máy vi tính và thiết bị văn phòng, dầu thô, thiết bị viễn thông. Thị trường nhập khẩu chính: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Singapore, Anh. Năm 2005, tổng giá trị hàng nhập khẩu đạt 119,6 tỷ USD.

5. Chính sách đối ngoại

Hiện nay, Australia thi hành chính sách đối ngoại với mục tiêu nâng cao vị trí, vai trò của mình trên thế giới, duy trì an ninh và phồn vinh kinh tế trong nước, bảo vệ đất nước và những giá trị của mình. Trong bối cảnh nguy cơ khủng bố đang ngày càng gia tăng tại nhiều khu vực trên thế giới và từ thực tế một số cơ quan của Australia tại nước ngoài đã trở thành mục tiêu tấn công của các nhóm khủng bố, Chính phủ Australia đề cao nhiệm vụ chống khủng bố; một mặt thực hiện các biện pháp thắt chặt an ninh trong nước, mặt khác tăng cường hợp tác với nhiều nước trong cuộc chiến chống khủng bố.

Thúc đẩy quan hệ kinh tế, tự do hóa thương mại với các nước cũng là một trong những hoạt động kinh tế đối ngoại nổi bật của Australia thời gian gần đây. Đến nay, Australia đã ký FTA (Khu vực tự do thương mại) với New Zealand, Singapore, Thái Lan, Mỹ, và đang triển khai đàm phán để ký FTA với ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Malaysia, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất… trong tương lai gần.

Australia là thành viên của hầu hết các tổ chức/diễn đàn/cơ chế hợp tác quốc tế quan trọng, gồm APEC, ARF, ASEAN (với tư cách nước đối thoại), EAS, FAO, IAEA, ICC, ICAO, IMF, Interpol, OECD, Liên hiệp quốc, UNCTAD, UNESCO, UNHCR, WHO, WTO…

NVS – Đầu Tư Quốc Tế sưu tầm

Exit mobile version